UBND THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THEO CHƯƠNG TRÌNH GDPT 2018 QUẬN TÂN BÌNH Môn thi: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút, ĐỀ MINH HOẠ
không kể thời gian phát đề PHẦN I (5,0 điểm) Đọc văn bản sau: ĐÁ TRỔ BÔNG Nguyễn Ngọc Tư(1)
Khờ, thằng nhỏ gánh nước đi đằng trước tôi, đang bốc khói. Bằng mắt thường
cũng thấy một làn hơi mỏng bả lả gợn quanh nó, nhất là từ đôi ống quần ướt mèm.
Nước trong thùng ở hai đầu quang gánh dù không sánh ra chút nào, nhưng cứ nghĩ lên
đến đỉnh núi chắc chỉ còn lưng lửng, vì nước bốc hơi. Mình thì có hơn gì, tôi nghĩ, cũng
sắp bốc cháy tới nơi rồi… […]
Năm Khờ chín tuổi, mẹ dắt nó lên ngọn núi Trời này, bảo ngồi đó đợi đá trổ bông
mẹ lên đón. Rồi bà mẹ trẻ xuống núi, biệt dạng. Chị chủ quán nước ngay bên sườn núi
vẫn còn nhớ gương mặt cô gái đó, “trẻ măng, đem con đi bỏ mà mặt tỉnh bơ, trửng
giỡn(2) với mấy thằng kiếm củi”. Chắc là sớm làm mẹ đơn thân, không mang vác nổi
thằng nhỏ khờ căm đặt đâu ngồi đó. Chắc là ngủ quên trên cỏ rồi đẻ Khờ, như những bà
mẹ Việt cổ xưa vẫn cấn bầu nhờ uống nước trong gáo dừa, ướm chân vào dấu chân lạ.
Thằng nhỏ từng có cái tên tử tế, nhưng người xóm núi quên mất rồi. Nói cho cùng,
làm gì có tên nào hợp với nó, bằng tên Khờ. Trong thân xác thằng con trai sắp ba mươi,
là một trí khôn của trẻ con năm bảy tuổi. Thời gian không làm mai một cái niềm tin rồi
đá trổ bông, mẹ đón về.
Sống nhờ chén cơm của cư dân triền núi, nhưng Khờ chưa bao giờ làm họ tiếc vì
đã nuôi dưỡng mình. Nhờ chi thằng nhỏ cũng làm, và nặng nhọc cỡ nào cũng không
than vãn. Mưa nó đi cọ rửa những bậc đá đóng rêu, che giúp mái nhà ai đó, cõng bà
Chín Sầu Đâu đi hốt thuốc nam chữa đau khớp, đón thằng Đen kẹt ở trường trong giông
gió. Hạn qua nó kiếm củi phơi khô chất đầy miễu(3) hoang, cả xóm xài mút mùa không
hết. Mùa khô nào họ cũng uống nước mưa một tay Khờ gánh, từ ngôi chùa gần chân núi Xanh.
Suốt ba chục năm, duy nhất một lần Khờ rời núi chừng tuần lễ. Nó bị sét đánh. Cái
đầu trọc của núi mà nó đang chăn giữ, không hiểu sao hay bị sét xuống thăm, đến cây
cối không mọc nổi. Bữa đó giông khô, Khờ lom khom gom mớ thuốc nam chùa gửi phơi,
thì bị sét quật lăn ra, tóc cháy xém. Câu đầu tiên nó nói khi tỉnh dậy, “đá trổ bông chưa?”
Tới ông trời còn không bứng thằng Khờ ra khỏi mớ đá đó, người núi Xanh nói.
Đúng lúc Khờ lại thêm một lượt gánh nữa ngang qua chỗ quán nước tôi ngồi cùng mấy
bà trong xóm, nhe răng cười. Ở Khờ không có vẻ gì bơ vơ, dù đang một mình bơi giữa
đá và nắng. Ngay khi nó bị che khuất bởi một cua gắt trên đường mòn, cũng để lại cảm
giác ấm áp, chắc nịch. Khó giải thích, nhất là nhân vật ấy mang trong mình một câu chuyện mủi lòng.
Hỏi mẹ Khờ có từng quay lại không, người núi Xanh nói biết đâu, giờ nhiều du
khách lên đây, mặt mũi ai cũng dáo dác như ai, nhớ sao nổi người phụ nữ mấy chục
năm về trước. Thằng nhỏ hay bị du khách ghẹo, họ xưng mẹ nè con, mau về với mẹ.
“Mẹ tui nói chừng đá trổ bông mới lên đón, giờ có trổ xíu nào đâu”, Khờ nói. Chỉ một
lời dối ầu ơ(4), nhưng với bộ não ngờ nghệch của Khờ, đã thành một thứ dây trói bền
dai, buộc nó mãi trên đỉnh núi. Mẹ Khờ có ở đây, chắc gì lay chuyển được nó, đá chưa nở bông nào.
Dân núi Xanh có lần hối tiếc, khi xúm nhau thuyết phục Khờ, rằng đám đá đó đâu
thể trổ bông được, sét đánh quá chừng mà, nhìn thì biết, tới cỏ còn không mọc nổi. Khờ
nói luôn, vậy mấy cục đá hong bị trời đánh thể nào cũng có bông. Từ bữa đó nó leo trèo
khắp núi. Lo bông đá đang trổ ở hang hốc nào đó, nơi nó chưa mò tới. Còn cả xóm thì
phấp phỏng sợ nó trượt chân.
Mình mà nói núi này đá đực khó ra bông, Khờ sẽ hỏi, vậy núi nào mới có? Tôi hình
dung vậy, khi ngó thằng nhỏ vừa gánh xong đôi nước cuối cùng trong ngày, đổ vào cái
khạp da bò đặt ngay đỉnh trọc. Nước ấy dành cho du khách uống đỡ khát. Dù họ chỉ
dùng rửa mặt, rửa chân, hắt vào người nhau cho vui.
Nắng vẫn xéo xắt, chưa chịu nguội. Tôi quay lại đúng cái chân núi mà vài tiếng
đồng hồ trước mình đứng ngán ngẩm vì nắng và hồ Xanh cạn đáy. Nghĩ chắc cũng
không cần trèo lên chi, quá biết trên đó có những thứ gì, lại miễu cậu miễu cô, lại
những quán xá đu theo vách đá, lại bày bán mấy thứ thần dược từ cỏ cây meo mốc chớ đâu.
Nhưng Khờ xuất hiện, với đôi thùng nước treo đầu gánh, rủ khơi khơi, lên núi chơi,
bông đá nay mai sẽ trổ.
(In trong Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm, số Xuân Đinh Dậu, 2017)
(1) Nguyễn Ngọc Tư: sinh năm 1976 tại Đầm Dơi, Cà Mau; là nữ nhà văn trẻ của Hội nhà văn Việt Nam.
(2) Trửng giỡn: đùa cho vui
(3) Miễu: miếu nhỏ
(4) Lời dối ầu ơ: nói cho qua
Thực hiện yêu cầu sau:
Câu 1. (0,5 điểm) Xác định ngôi kể trong văn bản trên.
Câu 2. (1,0 điểm) Phân tích hiệu quả của biện pháp tu từ trong câu văn sau:
“Mưa nó đi cọ rửa những bậc đá đóng rêu, che giúp mái nhà ai đó, cõng bà Chín Sầu
Đâu đi hốt thuốc nam chữa đau khớp, đón thằng Đen kẹt ở trường trong giông gió.”
Câu 3. (0,5 điểm) Vì sao cậu bé Khờ tin là đá trổ bông?
Câu 4. (1,0 điểm) Từ văn bản trên, em hãy rút ra một thông điệp có ý nghĩa với bản thân.
Câu 5. (2,0 điểm) Viết đoạn văn (200 chữ) phân tích một nét đặc sắc về hình thức nghệ
thuật (cốt truyện, cách xây dựng nhân vật, chi tiết tiêu biểu,…) của truyện ngắn trên.
PHẦN II (5,0 điểm)
“Tuổi thiếu niên là tuổi của ước mơ và hoài bão. Nó gắn liền với khát vọng chinh
phục thử thách và giải được mật mã cuộc đời. Khát vọng luôn xanh và cuộc sống luôn
đẹp, nhưng trong một thời khắc nào đó, có thể nhiều bạn trẻ đã thấy cuộc đời như một
mớ bòng bong của những điều bỡ ngỡ với bao trăn trở không dễ tỏ bày. Đi qua tuổi thơ,
cuộc đời mở ra trước mắt bạn một hành trình dài, nhiều hoa hồng nhưng cũng không ít
chông gai. Cuộc sống, với tất cả sự khắc nghiệt vốn có của nó, sẽ khiến cho bước chân
bạn nhiều lần rướm máu. Và những giọt máu đó, hoặc sẽ thấm xuống con đường bạn
đang đi và lưu lại đó dấu son của một vị anh hùng, hoặc sẽ trở thành dấu chấm hết cho
những khát vọng đoản mệnh của một kẻ nhụt tâm, chùn bước. Nhưng dù thế nào chăng
nữa, bạn hãy nhớ rằng: để trưởng thành, những thử thách và thất bại bao giờ cũng là
điều cần thiết.”
(Theo Hạt giống tâm hồn dành cho tuổi teen, tập 2 - Nhiều tác giả, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2012, tr.02)
Qua văn bản trên, em hiểu người viết suy nghĩ như thế nào về sự trưởng thành của
tuổi thiếu niên? Từ cách hiểu đó, em hãy viết bài văn nghị luận đưa ra những giải pháp
giúp các bạn thiếu niên ngày một trưởng thành hơn.
------------------------- HẾT -------------------------
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
Đề minh họa thi vào lớp 10 Ngữ văn 2025 - Phòng GD Tân Bình (truyện)
13
7 lượt tải
MUA NGAY ĐỂ XEM TOÀN BỘ TÀI LIỆU
CÁCH MUA:
- B1: Gửi phí vào TK:
0711000255837
- NGUYEN THANH TUYEN - Ngân hàng Vietcombank (QR) - B2: Nhắn tin tới Zalo VietJack Official ( nhấn vào đây ) để xác nhận thanh toán và tải tài liệu - giáo án
Liên hệ ngay Hotline hỗ trợ: 084 283 45 85
Chúng tôi đảm bảo đủ số lượng đề đã cam kết hoặc có thể nhiều hơn, tất cả có BẢN WORD, LỜI GIẢI CHI TIẾT và tải về dễ dàng.
Để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút Tải Xuống ở trên!
Thuộc bộ (mua theo bộ để tiết kiệm hơn):
- Tailieugiaovien.com.vn giới thiệu Bộ đề ôn thi vào lớp 10 Văn năm 2025 gồm các đề minh họa của các Sở Giáo dục có lời giải chi tiết nhằm giúp Giáo viên có thêm tài liệu tham khảo ra đề thi Ngữ văn ôn vào 10.
- File word có lời giải chi tiết 100%.
- Mua trọn bộ sẽ tiết kiệm hơn tải lẻ 50%.
Đánh giá
4.6 / 5(13 )5
4
3
2
1
Trọng Bình
Tài liệu hay
Giúp ích cho tôi rất nhiều
Duy Trần
Tài liệu chuẩn
Rất thích tài liệu bên VJ soạn (bám sát chương trình dạy)